Nằm ẩn mình trong một vùng đất xa xôi của miền Bắc, tỉnh Cao Bằng nổi bật với những địa danh thiên nhiên và văn hóa tuyệt đẹp. 5 hệ thống sông lớn và 47 hồ, nước đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành cảnh quan và cuộc sống địa phương. Phần lớn diện tích Cao Bằng đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Sự đa dạng đặc biệt khiến miền biên viễn trở thành một nơi ngoạn mục để khám phá, đặc biệt là đối với những ai thích phiêu lưu.
Nếu có dịp đi du lịch Cao Bằng, bạn hãy tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm những nét độc đáo của “miền non nước” vùng biên viễn này nhé.
Di chuyển đến Cao Bằng như thế nào?
Khoảng cách từ Hà Nội đến thành phố Cao Bằng là khoảng 280 km. Thời gian di chuyển có thể mất tám giờ tùy thuộc vào loại phương tiện giao thông. Có xe khách ngày và đêm từ Hà Nội đến Cao Bằng khởi hành từ Bến xe Mỹ Đình. Các tour du lịch theo nhóm và thuê xe riêng đến Cao Bằng cũng được cung cấp.
Bạn có thể đi xe riêng nhưng lưu ý rằng đường đến các điểm du lịch Cao Bằng không hề dễ đi và giáp biên giới nên sẽ có chút khó khăn. Cách tốt nhất là hãy liên hệ với đại lý du lịch địa phương và trực tuyến, họ có thể giúp bạn đặt chuyến đi của mình.
Du lịch Cao Bằng mùa nào đẹp nhất?
Thời gian tốt nhất để đến thăm Cao Bằng là vào mùa khô, từ tháng 10 đến tháng 4. Đep nhất là tầm tháng 12 – tháng 1 vì sẽ có mùa lá đỏ. Nếu bạn ở miền trung hay miền nam thì cần lưu ý rằng miền Bắc có thể khá lạnh trong những tháng mùa đông, từ tháng 11 đến tháng 2, vì vậy hãy mang theo đồ đạc phù hợp.
Lưu trú ở Cao Bằng
Tỉnh Cao Bằng có hơn chín dân tộc cư trú ở các thung lũng này trong nhiều thế kỷ. Tày, Nùng, Dao và H’mông là một số dân tộc nổi tiếng nhất, và mỗi dân tộc thiểu số có những nghề thủ công và cách sống đặc biệt của mình. Để trải nghiệm văn hóa dân tộc, hãy đến thăm làng nghề dân tộc thiểu số hoặc đặt một homestay đặc trưng như nhà sàn, nhà đá,… trong chuyến đi của bạn.
Một số homestay được đánh giá cao:
Primrose Homestay
- Địa chỉ: số 18 đường Hồng Viêt, xã Hợp Giang, tỉnh Cao Bằng.
- Điện thoại: 098 399 48 69
- Mức giá: ~ 200k/đêm.
Sa’s home – Homestay
- Địa chỉ: Số nhà 68 đường Lý Tự Trọng, tỉnh Cao bằng
- Điện thoại: 0363 981 976
- Mức giá: 300k ~ 800k
Classique homestay
- Địa chỉ: 118 đường Hiến Giang, Cao Bằng.
- Điện thoại: 0335 915 999
- Mức giá: ~276k/đêm.
Cao Bang Eco Homestay
- Địa chỉ: đường 3/10 số 24, Hamlet 23, Sông Bằng, tỉnh Cao Bằng.
- Điện thoại: 0868 252 168
- Mức giá: ~ 230k/đêm
Mr.Kim’s homestay
- Địa chỉ: Quốc Dân, Quảng Uyên, Cao Bằng
- Điện thoại: 097 595 64 88
- Mức giá: ~ 400k/đêm
Yến Nhi Bản Giốc homestay
- Địa chỉ: Ngườm Ngao, Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng.
- Điện thoại: 094 224 17 60
- Mức giá: ~ 300k/đêm
Lương Sơn homestay
- Địa chỉ: Xóm 10, Gia Cung, Ngọc Xuân, Cao Bằng.
- Điện thoại: 037 468 1823
- Mức giá: ~345k/đêm.
10 điểm dừng chân ở Cao Bằng bạn không nên bỏ qua
Thác Bản Giốc
- Địa chỉ: xã Đàm Thủy, Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
- Vé vào cổng: 45.000 vnđ/người/lượt
- Đi bè dạo quanh dòng Quây Sơn: 50.000 vnđ/ người/lượt.
Nằm ở biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam, Bản Giốc là thác nước lớn thứ 4 trên thế giới. Với chiều rộng 300 mét, thác có kích thước hoàn toàn ngoạn mục. Khu vực rộng lớn và nhiều thác và hồ bơi khác nhau trong công viên thật quyến rũ. Nằm trong một thung lũng và được bao quanh bởi những khu rừng tươi tốt, Bản Giốc làm bạn có cảm giác như đây một thiên đường của riêng mình.
Thời gian tốt nhất để đến tham quan Thác Bản Giốc là mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4. Do việc xả nước hàng ngày từ thượng nguồn là sông Quế Sơn diễn ra từ 10:30 sáng đến 1:00 chiều nên dòng chảy của thác mạnh hơn nhiều.
Chùa Trúc Lâm Phật Tích
Chùa chỉ mới được khánh thành ngày 15/12/2014 và rộng khoảng 3ha. Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tại nơi biên giới của Tổ quốc. Ngôi chùa nằm bên sườn núi Phia Nhằn nên từ đây bạn có thể nhìn thẳng ra thác Bản Giốc hùng vĩ, núi non trùng điệp từ trên cao.
Từ thác Bản Giốc đến Chùa Trúc Lâm Phật Tích chỉ khoảng 500m, do đó bạn có thể kết hợp đi tham quan trong một ngày để tận hưởng sự thanh bình, yên tĩnh miền đất Phật. Đặc biệt, bạn sẽ tận mắt thấy nhà lầu chuông Đại Thiên Bảo được làm bằng đồng, nặng khoảng 1,5 tấn. Đây là một trong những điểm nhấn của ngôi chùa để thu hút các Phật tử và khách du lịch gần xa.
Làng đá Khuổi Ky
Làng đá Khuổi Ky nằm trong quần thể khu du lịch thác Bản Giốc là nơi sinh sống của bà con dân tộc Tày. Làng hiện có 14 ngôi nhà sàn bằng đá nằm nép mình dưới chân núi, phía trước là dòng suối nhỏ tuôn chảy róc rách đêm ngày.
Làng còn nổi tiếng với tục thờ thần đá độc đáo. Bà con đã sử dụng đá tự nhiên để dựng lên những bức tường đá kiên cố. Những ngôi nhà sàn đá vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ cổ xưa tạo nên nét cổ kính nhuốm màu thời gian cho ngôi làng vùng biên viễn.
Động Ngườm Ngao
- Địa chỉ: bản Gun, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
- Mở cửa: 7h – 18h
- Vé vào cổng: 40.000 vnđ/người/lượt.
Hệ thống hang động Ngườm Ngao có 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn. Trong động có một số dạng thạch nhũ độc đáo nhất Đông Nam Á. Toàn bộ hệ thống hang động dài 2.144 mét, nhưng chính quyền địa phương mới chỉ mở cửa cho du khách 948 mét để bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên.
Hệ thống hồ Thang Hen
Hồ Thang Hen nằm ở độ cao trên 1000 mét so với mực nước biển, được tạo thành từ 36 hồ nước thu nhỏ thông với nhau qua các hang động và lối đi ngầm. Vào mùa mưa, mực nước dâng cao thì toàn bộ hệ thống tạo thành một hồ nước uốn khúc qua thung lũng các đỉnh núi đá vôi dài hơn 300 km. Chính bức tranh thủy mặc nguyên sơ và cảnh sinh hoạt hàng ngày ở những bản làng quanh hồ đã khiến Thang Hen trở nên đáng để tham quan.
Hãy thuê một hướng dẫn viên hoặc hỏi người dân địa phương đến Tuyệt Tình Cốc, còn được gọi là Mắt Thần. Đỉnh núi đá vôi này là nơi duy nhất có một hang động chạy từ bên này sang bên kia, tạo thành một cái hố khổng lồ.
Hồ Bản Viết
Hồ Bản Viết thuộc khu vực 2 xóm Bản Viết và Tân Phong, xã Phong Châu. Hồ được chia thành 4 nhánh và nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi trùng điệp cùng thảm thực vật phong phú, đa dạng. Bức tranh thiên nhiên với rừng cây, núi đá, hồ nước thực sự rất hữu tình, mộng mơ khiến bạn không thể không ngoái đầu nhìn.
Mùa lá đỏ Trùng Khánh
Huyện Trùng Khánh được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh sắc kỳ vỹ và thơ mộng. Thời điểm cuối tháng 12, những rừng cây bắt đầu vào mùa thay lá, lá cây chuyển từ màu xanh sang màu vàng và đỏ thiêu đốt cả vùng trời. Giữa mùa đông, khung cảnh nơi đây bỗng trở nên thơ mộng hơn bao giờ hết, nhất là khi vẻ đẹp rực rỡ ấy được soi bóng dưới hồ Bản Viết.
Chợ phiên Co Sầu
Chợ phiên “Co Sầu” (Trùng Khánh) là nơi tụ họp, buôn bán trao đổi hàng hóa, giao lưu của bà con dân tộc Tày, Nùng và một số dân tộc ít người khác của huyện Trùng Khánh. Dưới tiết trời se lạnh đặc trưng của những ngày đầu xuân, phiên chợ tết Co Sầu luôn tấp nập dòng người ngược xuôi và rôm rả tiếng nói cười.
Di tích rừng Trần Hưng Đạo
Di tích rừng Trần Hưng Đạo được công nhận là khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt bởi nơi đây lưu trữ nhiều hiện vật gắn liền với các giai đoạn lịch sử thăng trầm của đất nước, đặc biệt là hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nơi đây đã chứng kiến thời khắc Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Khách du lịch Cao Bằng thường đến viếng thăm đài tưởng niệm liệt sĩ và 34 ngôi mộ của các anh hùng Cao-Bắc-Lạng đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.
Quần thể di tích lịch sử Pác Bó
- Địa chỉ: bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng
- Giá vé: 25.000 đồng/người, 5.000 đồng/trẻ em
Khu di tích lịch sử Pác Bó là khu tưởng niệm và bảo tàng được thành lập trên địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc cách mạng vĩ đại của Người. Ở đây bạn có thể tham quan hang Pác Bó – nơi Người đã sống và làm việc hay dòng suối Lê Nin – nơi Người câu cá, làm thơ. Đây cũng là là điểm đầu (km 0) của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.
Du lịch Cao Bằng ăn gì?
Vịt quay 7 vị
Cao Bằng có một món vịt quay mà khi ăn ai cũng phải tấm tắc đó là món vịt quay 7 vị vì người dân địa phương dùng đến 7 loại gia vị khác nhau để ướp thịt.
Mắm, muối hoà lẫn trong nước 7 vị (bí quyết riêng của người Tày ở miền đông Cao Bằng) từ từ vào bụng vịt để gia vị ngấm sâu vào từng thớ thịt chứ không phải phết bên ngoài như chúng ta vẫn làm.
Bánh khảo
Bánh khảo là đặc sản nổi tiếng của Cao Bằng được nhiều người ưa chuộng. Nguyên liệu làm bánh là loại gạo nếp ngon, thơm, hạt tròn, đường kính hoặc đường phên. Trong nhân bánh có lạc, vừng, mỡ lợn béo ngậy. Bánh được gói thành hình chữ nhật; tại các cửa hàng bánh được đóng thành chục có in tên các cơ sở sản xuất, ngày sử dụng.
Bánh trứng kiến
Cứ vào khoảng tháng 4, tháng 5 hằng năm, bà con dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng lại vào rừng tìm trứng kiến đen để làm bánh Trứng kiến. Bánh Trứng kiến (tiếng Tày là pẻng rày) được làm từ bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả. Trứng kiến đen rất mẩy, béo và có hàm lượng đạm cao.
Chè lam
Cao Bằng không thiếu những món bánh ngon và không thể bỏ qua bánh chè lam – loại bánh cổ truyền của người dân nơi đây. Bánh làm bằng bột nếp, lạc rang, gừng và mạch nha. Khi thưởng thức chè lam cùng với cốc trà nóng, bạn sẽ nhớ về non nước Cao Bằng xinh đẹp. Sản phẩm có bán tại nhiều cửa hàng ở chợ Xanh trong thành phố.
Rau dạ hiến
Dạ hiến (còn gọi là rau bồ khai) thường mọc hoang ở vùng núi đá Cao Bằng. Ðây là loại cây thân thảo rất giòn, bẻ dễ gãy. Dù chỉ là rau dại mọc hoang nhưng không phải chỗ nào cũng có đâu. Vì thế, khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch, ai vào rừng mà hái được một ít rau dạ hiến là đã cảm thấy rất quý rồi.
Miến dong Phia Đén
Miến dong Phia Đén được làm từ bột dong riềng nguyên chất, ngon và là đặc sản nổi tiếng của huyện Nguyên Bình. Không biết xuất hiện từ bao giờ nhưng vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước nghề làm miến bắt đầu phát triển mạnh và mang lại thu nhập tốt hơn làm nông cho nhiều hộ gia đình.
Do thổ nhưỡng và khí hậu ưu đãi, cây dong riềng trồng trên đất Nguyên Bình (cao 900 – 1.200m so với mực nước biển) có chất lượng hơn hẳn các nơi khác. Miến sợi dai, sau khi nấu để lâu không bị bở nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán từ 60 – 70 nghìn đồng/kg.
Hạt dẻ Trùng Khánh
Hạt dẻ Trùng Khánh – thứ quả duy nhất chỉ có ở Cao Bằng. Hạt có màu nâu bóng đều, hạt nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái. Tuy vậy, do đồng bào Tày, Nùng trồng không theo quy hoạch nên sản lượng không cao. Ngay tại nơi trồng ai may mắn mới mua được đúng hạt dẻ Trùng Khánh, mà mùa thu hoạch vào tháng Chín, tháng Mười hàng năm chứ không phải có quanh năm đâu.
Xôi trám
Khi tiết trời chuyển dần sang thu, bà con các dân tộc ở vùng đông bắc lại lên rừng hái trám. Từ đó, món xôi trám (khẩu nua mác bây) ra đời. Trám nấu xôi phải là quả chín mọng, không bị sâu, ngâm vào nước ấm một lúc cho mềm (nước nóng hoặc lạnh hơn trám sẽ không mềm). Trám om rồi bóc vỏ đen, lấy phần thịt bỏ hột, trộn với xôi đã đồ chín đảo thật đều, nhuyễn sao cho xôi có mầu hồng tím là được.
Bánh áp chao
Mùa đông Cao Bằng rất lạnh, nhưng có một món ăn làm xua tan đi sự băng giá ấy. Đó chính là áp chao, món ăn nhìn giống bánh rán nhưng lại không phải là bánh rán. Chỉ cần một ít bột nêm gia vị vừa ăn, lấy khuôn đong từng đọt bột, nhúng vào chảo dầu sôi lên rồi vớt ra, ăn kèm với một số loại rau thơm thì cứ gọi là đỉnh của chóp!
Những ngày mùa đông đến ở Cao Bằng, bạn có thể tấp vào bất kì một quán lề đường nào đó, ngồi sưởi ấm giá rét bằng một chầu áp chao, thật khó để quên.
“Miền non nước” tuy xa xôi nhưng lại ẩn chứa vẻ đẹp bình yên như một giấc mơ có thể làm xiêu lòng bất cứ ai.
tin rằng, nếu đã từng đặt chân đến thì bạn sẽ muốn ở lại, muốn trải nghiệm và khám phá nhiều hơn những gam màu khác ở vùng đất biên cương này.