Công chúa Nguyệt Nga, danh tướng anh dũng của Nhị vua Hai Bà Trưng đồng thời là tổ của nghề trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ dệt lụa của Hà Nam.
Theo lời kể của ông Trần Văn Lai, 85 tuổi, Trưởng ban Khánh tiết Đình đá: Tương truyền, nàng Nguyệt Nga vốn sinh ra ở trang Dưỡng Mông, nay thuộc xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Nguyệt Nga công chúa là con gái ông Nguyễn Văn Bình, thôn An Mông và bà Mai Thị Sáng ở trang Dưỡng Thọ (xã Tiên Sơn). Lớn lên, nàng Nga nổi tiếng xinh đẹp, lại giỏi cả văn lẫn võ, vì vậy nàng Nga được người dân trong vùng yêu mến và quý trọng. Do bà không chịu làm tì thiếp cho Thái thú Tô Định nên cha mẹ bà đã bị hắn giết hại. Căm thù Tô Định, nợ nước cộng với thù nhà bà đã đứng ra chiêu mộ trai tráng làng Dưỡng Mông và quanh vùng, lấy cánh “Đồng Binh” nằm trong bãi sậy phía đông của làng làm căn cứ địa. Năm 40 sau Công nguyên, khi Hai Bà Trưng dấy binh ở Mê Linh, Nguyệt Nga đã dẫn vài ngàn nghĩa quân của mình đến hưởng ứng. Sau khi Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, Hai Bà Trưng lên làm Vua đã phong cho bà là Nguyệt Nga công chúa, cử làm quan tại phủ Lý Nhân.
Khi về thăm quê, thấy cảnh người dân phải chịu cảnh đói rét bà đã động viên dân làng cấy lúa lấy lương thực để ăn đồng thời, đưa nghề trồng dâu, nuôi tằm ở đất Kẻ Dâu (Bắc Ninh) về dạy cho dân làng.
Đất nước thanh bình chưa được bao lâu, nhà Hán lại sai Mã Viện đem quân sang xâm lược nước ta. Nữ tướng Nguyệt Nga về triều nhận lệnh. Sau khi Hai Bà Trưng hy sinh trong trận tử chiến bên bờ sông Hát, công chúa Nguyệt Nga rút về đóng ở Lương Đống gần trang Dưỡng Mông tiếp tục chống lại quân nhà Hán và đã anh dũng hy sinh ở ngã ba sông Móng. Dân làng thương tiếc lập đền thờ, tôn bà là “Loa tổ” -Tổ nghề trông dâu nuôi tằm ở địa phương. Các triều đại phong kiến xưa đều sắc phong là Nguyệt Nga phu nhân tôn thần.
Đình đá Tiên Phong (còn gọi là đình đá An Mông) nằm trên địa bàn thôn An Mông, xã Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên) thờ Nguyệt Nga công chúa. Đây là một trong số không nhiều kiến trúc đình làng với kiến trúc bằng đá hết sức độc đáo gồm 3 tòa được kiến trúc theo kiểu chữ công(工): Tiền đường 5 gian, đệ nhị 2 gian, chính tẩm 3 gian. Nét độc đáo nhất trong kiến trúc của đình đá Tiên Phong là tòa tiền đường xây bằng đá với nghệ thuật chạm khắc độc đáo với các đề tài tứ linh, tứ quý, sóng nước, mây trời, được chạm khắc kỳ công thể hiện sự công phu cũng như nghệ thuật chạm khắc tinh vi của cha ông. Bên cạnh kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc độc đáo, đến nay đình đá Tiên Phong còn lưu giữ được một số đồ thờ hiện vật có giá trị nghệ thuật cao niên đại thế kỉ 18,19 như : Sập thờ, ngai thờ, kiệu bát cống, một số bức đại tự và nhiều kiếm thờ phục vụ các đội nữ binh trong những ngày lễ hội.
Lễ hội truyền thống Đình đá Tiên Phong thường được tổ chức từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8, tháng Giêng âm lịch hằng năm với nhiều nghi thức tế lễ và tục thi đặc sắc. Độc đáo nhất đó là trò “thi vật cầu” nhằm tái hiện cảnh Nguyệt Nga công chúa rèn luyện binh sỹ và trò “đua thuyền” trên sông Châu tương truyền nơi nữ tướng tử tiết. Với những giá trị về lịch sử- văn hóa độc đáo, năm 1994 đình Đá Tiên Phong đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia.
Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hoá và Phát Triển Du Lịch Việt Nam sau chuyến đến thăm di tích Đình Đá Tiên Phong năm 2022 và đến hôm nay được cùng góp một chút sức mọn của mình với ban quản lý Di Tích, xây dựng bia đá và chỉnh trang khuôn viên di tích Đình Đá Tiên Phong năm 2023, nhằm góp phần xây dựng truyền thống uống nước nhớ nguồn, báo ân các vị có công với đất nước. Đây là một nét đẹp văn hoá của người Việt cần được lan toả.